Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Trấn áp tội phạm buôn bán tiền giả

Vận chuyển, buôn bán gần nửa tỷ tiền giả

Mới đây nhất, rạng sáng ngày 22/5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu, Bộ Công an (C74) phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội đã phục kích, bắt quả tang hai đối tượng gồm: Nguyễn Thị Xinh (56 tuổi) và chồng là Trần Văn Bình (61 tuổi, trú tại Cụm 2, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) về hành vi vận chuyển, tiêu thụ tiền giả. Tang vật thu giữ trên người của hai đối tượng nêu trên gồm 470 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200.000 đồng. Bước đầu Nguyễn Thị Xinh khai nhận, ngày 10/5, Xinh đã mua 500 triệu đồng tiền giả với giá 104 triệu đồng. Sau đó, Xinh tự quảng cáo và giới thiệu với nhiều người rằng mình có tiền giả bán và một người không quen biết đã hẹn Xinh mua số tiền này với giá 225 triệu đồng. Nếu trót lọt, Xinh có thể lãi hơn 100 triệu đồng cho phi vụ này.

Tiến hành khám xét nhà của Xinh và Bình, Cơ quan điều tra còn phát hiện thêm 73 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng có giá trị 14,6 triệu đồng. Tổng số tiền giả bị Cơ quan điều tra thu giữ là hơn 484 triệu đồng. Tất cả số tiền trên đều được gói bằng các tờ giấy báo có in chữ Trung Quốc. Được biết, cách đây 10 năm, Nguyễn Thị Xinh đã từng có tiền án về cùng hành vi nêu trên.

Hai đối tượng Nguyễn Thị Xinh và Trần Văn Bình cùng tang vật.

Trước đó, vào ngày 18/5, qua màn hình kiểm tra soi chiếu hành lý xách tay tại khu vực máy soi nội địa đi sảnh A của nhà ga hành khách T1 (sân bay Nội Bài), Đội Kiểm tra an ninh soi chiếu quốc nội thuộc Trung tâm An ninh hàng không phát hiện trong kiện hành lý xách tay của hành khách Trần Quốc Thanh (54 tuổi, ngụ tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đi chuyến bay VJ171, chặng bay từ Hà Nội - Sài Gòn có nhiều tờ tiền mệnh giá loại 200.000 đồng có dấu hiệu bị làm giả. Tiến hành kiểm tra, trong hành lý xách tay của hành khách Trần Quốc Thanh có tổng cộng 21 xếp tiền (2.099 tờ) loại mệnh giá 200.000 đồng tiền giả có số seri trùng nhau với tổng số tiền kiểm đếm được là 419.800.000 đồng. Thanh thừa nhận toàn bộ số tiền mệnh giá 200.000 đồng trên là tiền giả, được đưa về từ khu vực biên giới Lạng Sơn.

Nhiều thủ đoạn tiêu tiền giả tinh vi

Liên quan đến hoạt động của loại hình tội phạm buôn bán tiền giả, thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an Hà Nội) cho biết, tiền giả không chỉ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến đời sống, gây ra tâm lý hoang mang trong nhân dân. Nguồn gốc tiền giả thường xâm nhập Việt Nam thông qua đường biên giới phía Bắc với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu như trước đây, tiền giả thu được chủ yếu có mệnh giá thấp để dễ lưu hành thì gần đây, số tiền giả thu được lại có mệnh giá lớn. Hiện nay, các đối tượng buôn bán tiền giả dùng nhiều thủ đoạn để tiêu thụ tiền giả. Thông thường, các đối tượng lợi dụng lúc trời tối, nơi thiếu ánh sáng để dùng tiền giả mua hàng. Bởi lúc đó, do bị hạn chế về khả năng quan sát nên người bán hàng không phát hiện được hành vi tiêu thụ tiền giả của các đối tượng. Cũng có trường hợp đối tượng lưu hành tiền giả vào ban ngày nhưng trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng mua hàng mà không mặc cả rồi đi ngay nên khi người bán hàng phát hiện ra thì chúng đã đi xa… Để tiêu thụ tiền giả trót lọt, các đối tượng “nhắm” tới những cửa hàng, người bán hàng lẻ, chúng thường mua hàng có giá trị thấp bằng tiền giả có mệnh giá cao để người bán hàng trả lại tiền thừa bằng tiền thật. Còn khi mua hàng có giá trị lớn, hoặc khi trả nợ, do nắm được thói quen của người nhận tiền với số tiền lớn thường chỉ kiểm tra những tờ phía ngoài rồi đếm qua gáy chứ không kiểm tra từng tờ, các đối tượng này còn kẹp lẫn tiền giả với tiền thật.

Liên quan đến thực trạng buôn bán tiền giả, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Điều 23 Luật Ngân hàng đã quy định các hành vi bị cấm gồm: Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; hủy hoại đồng tiền trái pháp luật… Bộ luật Hình sự nêu rõ, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân… Để tránh tình trạng tiền mất, tật mang, mỗi người dân tuyệt đối không tham gia tiêu thụ và mua bán tiền giả, đồng thời nắm rõ các đặc điểm của tiền thật để hạn chế rủi ro khi tham gia các giao dịch. Đồng thời, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức thủ đoạn của tội phạm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả; tích cực phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương đấu tranh, phòng chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này.

Thế Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét