Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Xét xử phúc thẩm vụ lừa đảo hơn nghìn tỷ tại Agribank

Tòa phúc thẩm cấp cao tại TP.HCM vừa tiến hành xét xử vụ án Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Phát) lừa đảo, chiếm đoạt trên 1.100 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh 6 (Agribank CN 6). Đây là phiên tòa được mở theo kháng cáo của 4/11 bị cáo và đơn vị phía bị hại trong vụ án. Đáng chú ý, đây là 1 trong 8 đại án được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo sát.

Vay xoay vòng, chiếm đoạt cả ngàn tỷ đồng

Trong ngày đầu xét xử của phiên tòa phúc thẩm, tòa tiến hành các thủ tục thẩm tra lý lịch tư pháp bị cáo, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan. Hội đồng xét xử cũng tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm. Theo nội dung bản án sơ thẩm, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM di dời các nhà máy xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên thành phố về khu công nghiệp. Công ty Dệt kim Đông Phương (doanh nghiệp Nhà nước) đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty Phương Nam hợp tác kinh doanh xây dựng trung tâm thương mại và chung cư tại lô đất số 10 u Cơ (quận Tân Bình). Lợi dụng thực hiện dự án, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến tháng 10/2010, Dương Thanh Cường và 10 bị cáo trong vụ án cấu kết gây thiệt hại và chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm.

Cụ thể, Dương Thanh Cường đã lập nhiều công ty để lừa đảo, chiếm đoạt của Agribank CN 6 hơn 966 tỷ đồng. Lần thức nhất, Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, thế chấp dự án số 10 u Cơ để vay 170 tỷ đồng. Đến cuối năm 2007, Cường thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) lập hồ sơ vay 700 tỷ đồng, tài sản thế chấp hoàn toàn bằng tài sản hình thành từ vốn vay là 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Từ ngày 4/12/2007 đến 19/9/2008, Agribank CN 6 đã giải ngân cho công ty của Cường vay 628 tỷ đồng. Sau khi thế chấp vay của Agribank CN 6, Cường mượn lại các giấy tờ tài sản thế chấp rồi mang đến Ngân hàng Phương Nam vay tiếp. Một số lãnh đạo, cán bộ của Agribank CN 6 biết rõ công ty của Cường mới thành lập, không có khả năng tài chính nhưng vẫn thẩm định, lập hồ sơ cho vay.

Ngân hàng Agribank thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng

Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm trước đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát) án chung thân về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Thái Cường (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát) 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Lê Sơn Hùng (nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Thanh Phát) 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bên cạnh đó, bị cáo Phạm Hoàng Thọ (nguyên Phó Giám đốc Công ty Thanh Phát) được chuyển tội danh từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “Che giấu tội phạm” và bị tuyên phạt 4 năm tù.

Ngoài ra, bị cáo Lê Thành Công (nguyên Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương) cũng bị 25 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Đỗ Trọng Nhân (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt) bị phạt 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc, Agribank CN 6) 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm tuyên Lê Thành Công phải hoàn trả cho Công ty Đông Phương hơn 1 tỷ đồng. Dương Thanh Cường bồi thường 1.127 tỷ đồng cho Agribank Việt Nam (gia đình Cường đã nộp 1 tỷ đồng).

Đặc biệt, bản án sơ thẩm còn công bố quyết định khởi tố vụ án lạm quyền tại Agribank Việt Nam vì việc nâng quyền phán quyết cho vay không thẩm định, không có quy trình kiểm tra, có dấu hiệu lạm dụng vốn vay đặc biệt lớn của Nhà nước, tự ý ban hành quy định nâng quyền phán quyết cho vay của Agribank không tuân thủ theo quy định của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Duy Điệp - Ngọc Đỗ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét